CHƯƠNG 7 Thánh Nữ Lâm Bệnh Lần Chót Đầy tớ Chúa trải qua những năm chót trong đời như âm vang của cả cuộc sống, và không lúc nào Chị thiếu tín thác nơi Chúa, thiếu kiên nhẫn hoặc khiêm tốn cả. Gương mặt Chị luôn toả ra niềm an bình thanh thoát. Người ta có cảm tưởng hồn Chị đã tới đích duy nhất, Chị ước mong trong suốt cả đời. Như Thầy Chí Thánh trước khi thở hơi cuối cùng, Chị cũng trịnh trọng bảo tôi hôm trước ngày lìa trần: “Mọi sự đều tốt đẹp, mọi sự đã hoàn tất, chỉ có tình yêu là đáng kể!”. Dằn vặt thể xác Chị chịu trong những tháng cuối đời thực là đau đớn, vì ngoài bệnh phổi, Chị còn bị lao ruột và vì Chị gầy quá nên vết thương càng loang lở thêm. Chúng tôi bất lực không sao làm chúng lành lại được. May mắn vì là y tá phụ, nên tôi được trao công tác luôn ở gần Chị trong cơn đau ốm: Tôi nằm trong phòng kế bên, chỉ rời Chị trong các giờ kinh Nhật Tụng và đi săn sóc bệnh nhân khác. Trong những lúc đó, Mẹ Agnès de Jésus coi Chị thay tôi và ghi chép tất cả những lời Chị nói. Nhờ tài liệu chính xác này, chúng tôi nhớ được những sự kiện như ngày mới xảy ra vậy. Sức mạnh trong khi chịu đau khổ phần xác Sau lần thổ huyết đầu tiên vào tối thứ Năm rạng ngày thứ Sáu Tuần Thánh năm 1896, Chị Têrêsa Hài Đồng Giêsu sung sướng vì được phép sống nhiệm nhặt cho đến hết mùa Chay, nhiệm nhặt trong cả hôm đó và hôm sau, vì chị luôn có mặt trong các giờ đạo đức, nên tôi không ngờ là Chị đã thổ huyết. Tuy thế tôi biết Chị phải khổ sở rất nhiều vì chay tịnh năm đó. Nhưng theo như thường lệ, Chị không hề phàn nàn than thở. Hằng ngày lúc đọc kinh Nhật Tụng là lúc bệnh sốt rét lên cơn dữ dội nhất, nhưng Chị không hề xin nghỉ. Chị phải đau đớn hơn trong khi làm ít việc vặt như giặt giũ hay phơi quần áo, nhưng Chị luôn giữ không cho chúng tôi hay, dầu là có dịp thuận tiện cũng vậy. Và Chị can đảm bao nhiêu trong việc chịu đựng những sự săn sóc khắt khe đau đớn! Chị phải chịu hơn năm trăm vết giác trên lưng (chính tôi đã đếm). Khi bác sĩ làm việc và nói chuyện xã giao với Mẹ Bề trên thì Chị phải đứng dựa vào thành bàn. Sau này Chị thổ lộ là chị đã dâng những đau đớn ấy để cứu các linh hồn và nghĩ tới các Thánh tử đạo. Được săn sóc xong, Chị lên phòng, không đợi ai ngỏ lời thương xót, và Chị run rẩy ngồi xuống trên chiếc nệm rơm nghèo nàn, âm thầm chịu đựng cơn dằn vặt của lối trị bệnh trên. Vì chưa ai coi Chị là bệnh nặng nên không được nằm nệm bông và chiều đến, tôi lấy chăn gấp lại làm bốn để dưới giường. Chị tỏ lòng biết ơn. Nhưng không hề kêu trách kiểu chữa bệnh cổ điển thời bấy giờ. Ngay lúc đau đớn cực độ, Chị cũng luôn bình thản tươi vui. Tôi ngạc nhiên tưởng Chị không bị dằn vặt như tôi nghĩ và muốn bất ngờ gặp được Chị đang phải đau đớn. Một chút sau tôi thấy Chị nở nụ cười hồn nhiên thiên thần và hỏi sao Chị cười thì Chị trả lời: “Vì em đang đau nhức bên hông quá! Em có thói quen làm sao luôn vui vẻ khi đón nhận đau khổ”.
Đức Vui Vẻ Anh Hùng Cho đến ngày lìa trần, Chị Têrêsa vẫn giữ được vẻ thơ ngây đáng yêu, làm cho người bên cạnh được thoải mái hài lòng. Ai cũng muốn gặp để nghe Chị nói chuyện. Hình như càng đau khổ Chị càng vui vẻ dễ thương. Chính trong đau khổ mà Chị biểu lộ một tâm hồn dũng cảm và một đức ái đặc biệt đối với chúng tôi. Chị làm sao để chúng tôi được khuây khoả trong lúc mệt nhọc. Chị thích pha trò, dùng những tên riêng hồi chúng tôi còn thơ ấu để tôi giải trí và đôi khi cũng để kín đáo khuyên tôi điều nọ điều kia. Vì thế, tôi không ngần ngại đưa ra đây những tiếng thân mật để độc giả thấy Chị luôn đơn sơ ngay trong những giờ phút đau đớn nhát. Tôi chép lại những danh từ đó tuy không nhớ rõ Chị đã nói vào ngày tháng nào.
Nhớ lại một chuyện thời thơ ấu Trong những câu chuyện làm chúng tôi vui cười khi còn thơ ấu, có chuyện một cô gái nhỏ112: Tên cô là Lili và em cô là Toto. Vì tôi là chị nên người ta gọi tôi là Lili, còn Têrêsa là Toto. Bây giờ ở trong Nhà Kín, những lúc thân mật và để tôi khuây khoả, Chị cũng thường gợi lại chuyện đó. Chẳng hạn khi quá mệt, không biết sẽ nghe hiệu báo thức ban sáng hay không, Chị bảo tôi: “Sáng mai chị nhớ đến coi xem ông Toto có nghe thấy hiệu đánh thức không nhé113”. Hay: “Cô Lili ơi, ngày mai chớ quên đánh thức ông Toto đấy, tuy mọi người114 coi khinh cô nhưng Giêsu và ông Toto yêu cô ghê lắm nghe”. Tôi thoa bóp cho Chị theo lệnh bác sĩ. Sau này Chị thổ lộ với Mẹ Agnès de Jésus rằng Chị coi đó như một cực hình, nhưng khi có mặt tôi thì Chị lại đòi thoa bóp… Có hôm tôi muốn bỏ thoa bóp, Chị nhắc: - Em sợ Mẹ (Marie de Gonzague) không bằng lòng, vì Mẹ để ý đến việc này lắm, nhất là thoa bóp trên lưng. Nếu Chúa nhật bác sĩ tới chắc ông sẽ hỏi sao lại không làm như ông dặn? Đợi tới thứ hai có lẽ tốt hơn chăng? Tuy thế, chị Pauvre, chị Pauvre ơi115 chị muốn làm gì thì làm, ngày mai mọi sự đều sẵn sàng cả. Nhất là đừng nói cho ông M. đó hay116, chị thoa bóp sao tuỳ ý và chị nên nhớ rằng ta phải giàu, cả hai rít giàu117. Tiếng “rít” này là tiếng một chị nhà tập chỉ cho Chị coi trong một cuốn lịch, dưới bức vẽ một anh Do Thái cự phú tự đắc nói với bạn: - Tui giàu, rít giàu, nhưng này! Khi tui bắt đầu công việc, tui lại không có gì cả 118. Ông bạn trả lời: - Phải, nhưng người cùng làm với ông lại luôn có tiền đấy. Chị Thánh kết luận: - Em giống người Do Thái đó: Tui giàu, rít giàu, nhưng này! Khi tui bắt đầu công việc tui lại không có gì cả… Phải, nhưng Đấng cùng làm với em luôn giàu có!”…
Nhân một bức ảnh Chị luôn tìm cách giúp tôi biết từ bỏ mình, và thích so sánh đời chúng tôi với hai đứa trẻ trong bức tranh của PLOCHORST: Được thiên thần bản mệnh coi sóc, hai đứa trẻ đi bên bờ vực thẳm không chút lo lắng. Đứa anh chỉ mang có chiếc áo chùng, tự do thong thả, một tay chỉ phải dắt cô em gái cùng đi. Trái lại, cô bé dùng dằng ôm theo bó hoa lớn và muốn hái những bông hoa vừa tầm tay. Nhân truyện này chị Têrêsa Hài Đồng Giêsu kể tôi nghe ngụ ngôn sau đây: “Xưa có một “tiểu thư” có nhiều của cải, thứ của cải làm cho con người thành bất chính, mà cô lại quá quyến luyến những của đó. Cô có một cậu em tuy hai bàn tay trắng, nhưng lúc nào cũng đàng hoàng sung túc. Ngày kia, cậu nhỏ ngã bệnh và nói với chị: “Tiểu thư” ơi, nếu chị bằng lòng thì hãy thiêu huỷ tất cả của cải đi vì chúng chỉ làm chị bận tâm vô ích. Nếu chị bỏ danh hiệu “tiểu thư” thì chị thành người nữ tì nhỏ của em119, còn em, khi em về quê hương diễm lệ, nơi em sắp được tới, em sẽ trở lại tìm chị, vì chị đã sống nghèo như em, không băn khoăn lo lắng tới ngày mai. “Tiểu thư” nhận ra cậu em có lý, bằng lòng sống nghèo như em, tình nguyện làm nữ tỳ cho em, và của cải trần gian cô đều thiêu huỷ cả, chúng không còn dằn dặt tâm tư cô được nữa… Cậu em giữ lời hứa, cậu đến tìm chị khi cậu được về quê hương diễm lệ, quê hương có Chúa là Vua, Đức Trinh Nữ là Hoàng Hậu và cả hai sống dưới cánh tay Chúa nhân từ. Đây chính là nơi hai chị em đã chọn để mãi mãi dung thân”. Lần khác, ám chỉ đến hai đứa nhỏ và cô chủ nhà không thiếu một thứ gì trong các ngăn tủ, Chị bảo: “Cô này quá giàu: nào bao nhiêu nụ hồng, nào tiếng chim hót bên tai120, lại thêm chiếc váy ngắn, đồ làm bếp và cả những gói nhỏ nữa…”. Tôi ngủ trong căn phòng nhỏ cạnh Chị, thông với phòng thuốc. Một chiều thấy tôi cởi áo, Chị động lòng trắn ẩn vì bộ áo dòng nghèo nàn tôi mặc, nên nhắc lại một câu khôi hài Chị đã nghe: - Pauvre, Pauvre ơi! Trông chị như cái dây thừng ấy121! Nhưng chị không mãi mãi như thế đâu, em nói thật đấy mà!”.
Sự chết dạy ta biết từ bỏ Chị hân hoàn vì sắp lìa trần và sung sướng nhìn người ta sửa soạn cho giờ phút Chị nhắm mắt, tuy người ta muốn giấu Chị. Chị ước ao xem thùng hoa huệ nhân tạo mới mua để trang hoàng giường liệm xác và vui vẻ nói: - Thùng hoà này dành cho em đấy! Chị không ngờ công việc đã được sắp xếp như thế, nên thấy vậy Chị hài lòng khôn tả. Một chiều trong những ngày sau cùng, vì sợ đêm đó Chị qua đời nên chúng tôi để ở phòng bên cạnh nến phép, bình nước phép và que rảy. Chị đoán thế và Chị xin đặt trước mặt Chị. Thỉnh thoảng Chị sung sướng nhìn những vật ấy và âu yếm bảo chúng tôi: - Các chị có thấy cây nến kia không, khi Tên Trộm 122 mang em đi người ta sẽ đặt cây nến nơi tay em, nhưng không nên đặt cả chân vì chân nến xấu quá!.
Phần mộ không có nghĩa lý chi cả Chị dửng dưng với những lo lắng thế tục. Ít lâu trước khi Chị lìa trần, thấy chúng tôi bàn tán về việc mua thêm một mảnh đất trong nghĩa địa Lisieux dành cho các chị qua đời, Chị vui vẻ bảo tôi: “Phần mộ không có nghĩa lý chi cả, đặt chỗ nào cũng được, đâu có cần gì? Biết bao vị thừa sai nằm trong dạ dày bọn ăn thịt người, và nghĩa địa của nhiều vị tử đạo là bụng thú dữ thì đã sao?”. |